Miễn là bạn đang sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, có một thông số mà bạn bắt gặp ngay cả khi chụp lẫn hậu kỳ mà bạn không chú ý đến quá nhiều đó là Biểu đồ tần suất hay còn gọi là Histogram. Biểu đồ này thậm chí bị các nhiếp ảnh gia phong cảnh bỏ qua hay thậm chí hoàn toàn không biết đến. Vậy Histogram là gì?
Định nghĩa
Theo định nghĩa chung, Histogram là biểu đồ tần suất thể hiện sự phân phối của dữ liệu số.
Với nhiếp ảnh phong cảnh, Histogram là sự thể hiện trực quan giá trị độ sáng của tất cả các pixel trong một hình ảnh. Thông thường, chúng ta sử dụng biểu đồ kết hợp của ba kênh màu chính đỏ, lục, lam hay còn gọi là biểu đồ RGB. Tuy nhiên, nếu cần, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về biểu đồ của từng kênh màu riêng lẻ. Histogram có thể được thấy ở màn hình live view trước khi chụp ảnh, sau khi chụp ảnh hoặc trên phần mềm xử lý ảnh.
Một Histogram gồm 5 vùng: Blacks, Shadows, Midtones, Highlights, Whites
Vì sao cần hiểu về Histogram?
Điều đầu tiên, chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng màn hình hiển thị trên máy ảnh vì điều kiện ánh sáng môi trường phức tạp, hiển thị trong các điều kiện ánh sáng khác nhau thì khác nhau dẫn đến việc chúng ta bị nhầm lẫn nếu chỉ xem ảnh trên màn hình.
Tiếp theo là màn hình LCD chỉ hiển thị phiên bản xem trước JPG của hình ảnh, ngay cả khi bạn chụp ở định dạng RAW. Bên cạnh đó, màn hình LCD có độ phân giải thấp hơn nhiều so với hình ảnh và mức độ sáng của màn hình có thể được điều chỉnh quá sáng hoặc quá tối.
Điều này đặc biệt quan trọng cần nhớ khi chụp trong điều kiện quá sáng hoặc tối. Ví dụ: khi chụp Milky Way, khi nhìn vào màn hình vào điều kiện tối, có vẻ như hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD của bạn được phơi sáng chính xác, tuy nhiên điều này có thể khiến bạn hiểu nhầm. Lý do là cách mắt của chúng ta điều tiết theo các điều kiện môi trường. Trong trường hợp này, khi xem ảnh trong bóng tối, bức ảnh trông sáng hơn nhiều so với thực tế.
Một lý do khác là màn hình máy tính hiển thị hình ảnh không chính xác, có thể bị ám màu hoặc quá sáng, quá tối.
Hơn hết, hiểu về Histogram sẽ giúp chúng ta có ảnh có độ phơi sáng tốt, nâng cao chất lượng ảnh vào tiết kiệm thời gian xử lý hậu kỳ.
Đọc Histogram
Trước tiên, hãy cố gắng phân tích chính xác những gì được thể hiện trong Histogram. Nếu bạn nhìn vào bất kỳ Histogram nào, bạn sẽ nhận thấy hai trục tung và trục hoành. Trục hoành thể hiện số lượng tông màu và mức độ sáng của chúng, bắt đầu từ 0 (đen) cho đến 255 (trắng). Mặt khác, trục tung thể hiện số lượng pixel ở mỗi mức độ sáng. Vì vậy, nếu bạn đi theo đường trong biểu đồ, ”đỉnh” cao nhất sẽ cho bạn biết chính xác vị trí trên thang độ sáng mà bạn có lượng thông tin nhiều nhất trong ảnh. Nếu các “đỉnh” được xếp chồng lên nhau nhiều hơn về phía bên trái, thì ngay cả khi không nhìn vào hình ảnh preview, Histogram vẫn cho bạn biết rằng ảnh tổng thể tối. Ngược lại, nếu các đỉnh hướng về phía bên phải của Histogram thì ảnh sáng.
Đây là nội dung quan trọng nhất của Histogram mà bạn cần nhớ. Để hình ảnh của bạn được phơi sáng chính xác, thông tin ánh sáng cần nằm trong 2 cột biên của Histogram. Nếu bạn để lộ ra ngoài, thì thông tin được ghi lại sẽ không đầy đủ. Nếu bất kỳ phần nào của biểu đồ leo ra phía biên bên phải, hình ảnh bị dư sáng, mỗi pixel ngoài biên phải sẽ được biểu thị bằng màu trắng. Tương tự, nếu biểu đồ leo ra ngoài biên trái, ảnh thiếu sáng và bạn chỉ thu được màu đen với phần leo ra.
Hãy nhìn vào những bức ảnh dưới đây, bạn sẽ thấy hình ảnh trực quan về biểu đồ phơi thiếu sáng, đủ và thừa sáng trông như thế nào.
Một vài trường hợp khác thường xuất hiện khi chụp ảnh phong cảnh:
ETTR – Expose To The Right!
Nếu chỉ đọc đến đây thì bạn thấy quá dễ, khi chụp chỉ cần chọn thông số sao cho biểu đồ nằm gọn trong 2 biên là có độ phơi sáng chính xác đúng không? Tuy nhiên với nhiếp ảnh phong cảnh thì không hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều điều kiện ánh sáng mà máy ảnh không thể ghi hết được, vì bản thân dải của máy ảnh ngày nay dao động từ 14-15 eV, trong khi cảnh cần ghi lại có dải lớn hơn nhiều, do đó trường hợp biểu đồ leo ra ngoài biên rất hay gặp phải. Vì vậy có một khái niệm rất đáng để tìm hiểu đó là ETTR – Expose To The Right.
ETTR là khi chụp bạn sẽ ưu tiên để biểu đồ gần chạm biên phải, để thu được nhiều thông tin ánh sáng nhất có thể dùng được, sau đó xử lí bằng hậu kỳ để cân bằng lại. Với cảnh có tương phản thấp như ETTR cũng rất hữu dụng để mang lại chi tiết tốt hơn cho ảnh.
Quay trở lại với 2 ví dụ ở trên, đối với phương pháp chụp ETTR:
Đối với ảnh đầu tiên, ETTR sẽ giúp máy ảnh ghi được nhiều dữ liệu vùng tối hơn, khi hậu kì sẽ có ảnh chất lượng tốt hơn. Đối với ảnh thứ hai, ETTR giúp giữ lại màu sắc của bầu trời hoàng hôn. Tất nhiên điều này còn tuỳ thuốc vào ý đồ nghệ thuật và có nhiều cách để giữ được chi tiết của cả vùng sáng tối, tuy nhiên trong phạm vi bài viết về Histogram thì ETTR trong trường hợp này không nên bỏ qua.
Lời kết,
Sau bài viết này, nếu bạn đã hiểu rõ hơn về Histogram, bạn nên tạo thói quen kiểm tra Histogram trước hoặc sau mỗi lần chụp ảnh. Hãy chắc chắn rằng bạn không cảm thấy tiếc vì chụp thiếu dữ liệu mà không chụp nhiều hơn để có ảnh chất lượng hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng kiến thức về Histogram trong quá trình hậu kỳ để cải thiện chất lượng của hình ảnh, giúp chúng thể hiện đúng ý đồ nghệ thuật mà bạn gửi vào.