Những ngày cuối năm 2022, mình đã lên kế hoạch cho chuyến đi tới Đông Java, Indonesia. Sau chuyến đi đầu tiên vào tháng 4, mình quyết định đặt ra mục tiêu nhỏ là sẽ quay trở lại nhưng sẽ ghé thăm những địa điểm mới, nơi có ít khách du lịch hoặc phong cảnh thật đẹp. Mình chọn núi Rinjani ở đảo Lombok là điểm đến tiếp theo. Lombok là một hòn đảo thuộc tỉnh Tây Nusa Tenggara của Indonesia, nằm cạnh đảo Bali nhưng nơi đây yên bình và ít khách du lịch hơn rất nhiều. Với đường bờ biển chạy dài, phong cảnh biển phía Nam đảo Lombok rất đẹp tuy nhiên chuyến đi này mình chỉ tập trung đi phía Bắc đảo để leo núi Rinjani chụp ảnh.
Các hình ảnh trong bài viết này đa số được chụp bằng điện thoại di động, chất lượng có thể không cạnh tranh bằng máy ảnh nhưng tiện lợi. Ngày nay chất lượng ảnh từ điện thoại di động cũng rất tốt và dễ thao tác hơn rất nhiều. Một số ít sẽ được chụp bằng drone và máy ảnh.
Núi Rinjani ở đâu?
Núi Rinjani là ngọn núi cao thứ hai ở Indonesia, với đỉnh cao tới 3726m so với mực nước biển. Hồ miệng núi lửa Segara Anak nằm trên đỉnh núi lửa ở độ cao 2000m là một trong điểm đẹp nhất ở Indonesia. Và tất nhiên, địa điểm này không hề ít khách du lịch, tuy nhiên thời điểm mình ghé thăm là tháng 6, chưa phải mùa cao điểm. Mình chọn lịch trình 3 ngày 2 đêm để đi dọc qua các địa điểm đẹp quanh núi. Tổng độ dài quãng đường khoảng 30km. Nhưng mình khuyên bạn nên chọn lịch trình 4 ngày 3 đêm để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Di chuyển
Để leo núi Rinjani, bạn phải đặt chân tới đảo Lombok. Có hai cách là máy bay, tàu cao tốc hoặc phà.
Có một sân bay quốc tế ở Lombok với rất nhiều chuyến bay. Bạn có thể bay thẳng từ Kuala Lumpur, Singapore hoặc bay nội địa từ Surabaya, Bali…
Nhưng vì mình xuất phát ở đảo Bali, rất gần với Lombok và muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương nên chọn phương tiện phà công cộng, mất khoảng 5 tiếng để đi phà từ Bali tới Lombok nên sẽ chọn thời gian di chuyển là ban đêm để tiết kiệm thời gian.
Từ Bali cũng có thể đến Lombok bằng tàu cao tốc. Có một webisite cung cấp đầy đủ thông tin các bến và cách di chuyển bằng phương tiện công cộng đến Lombok
https://www.lomboknetwork.net/lombok/getting-there-away/public-ferry/
Mẹo du lịch:
- Khi đặt chân đến bến phà Padang Bai (Bali) hoặc Lembar (Lombok), đừng để người dân địa phương xách hộ túi hành lí của bạn hoặc chấp nhận lời đề nghị mua hộ vé đi phà bởi rất có thể bạn sẽ gặp rắc rối về giá cả. Nếu bạn có thắc mắc, có thể hỏi tài xé taxi của bạn, người dân ở đây đa phần rất thân thiện. Lần đầu tiên chưa biết cách mua vé, mình đã nhờ xế taxi chở mình đến bến phà và anh ấy rất nhiệt tình giúp mình mua vé tàu và chỉ đường để lên phà. Lần thứ hai khi di chuyển từ Lombok về Bali, có một người lạ đề nghị giúp mình mua vé, tài xé nhìn mình với ánh mắt ái ngại. Sau khi người lạ di chuyển đi, mình có hỏi tài xế và anh ấy đồng tình với mình khi mình không bị lừa.
- Trên phà bạn có thể nằm ngủ hay ngồi tuỳ thích, nhưng với thời gian di chuyển dài và để đảm bảo an toàn cho hành lí và có giấc ngủ tốt hơn, mình thuê một căn phòng của các thuỷ thủ trên tàu để ngủ qua đêm.
- Lịch trình di chuyển của phà từ Bali sang Lombok cũng không cố định, tuỳ thuộc rất nhiều vào tình hình thời tiết nên tình trạng delay diễn ra thường xuyên.
Du lịch
Sau một giấc ngủ dài bồng bềnh theo những con sóng lớn, mình đã đến điểm khởi đầu cho hành trình, bến phà Lembar. Từ đây bạn có thể nhìn thấy ngọn núi Rinjani hùng vĩ từ rất xa.
Tài xế đón mình tại ngay lối ra. Mất khoảng 3 tiếng để di chuyển từ Lembar đến làng Senaru, ngôi làng nằm ngay dưới chân ngọn núi Rinjani và là nơi nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình 3 ngày leo núi. Ấn tượng đầu tiên với mình khi đến Lombok là thời tiết. Tháng 6 là thời điểm bắt đầu mùa khô, khí hậu tương tự như vùng núi phía Bắc Việt Nam vào tháng 9, hơi se lạnh và nắng vào buổi sáng. Đến làng Senaru chân núi Rinjani, mình có gần một ngày để nghỉ ngơi và biết qua về cung đường.
Plawangan Sembalun
Ngày đầu tiên, sau bữa ăn sáng nhẹ, mình được trung chuyển từ Senaru đến làng Sembalun, điểm xuất phát để đăng kí leo núi.
Tại đây mọi thành viên tham gia sẽ được kiểm tra sức khoẻ tổng quát trước khi leo.
Pos 2, điểm ăn trưa sau 3 tiếng đi bộ khởi động.
Rinjani thực sự không phải là một điểm du lịch vắng vẻ, ngược lại, rất đông. Chính vì vậy vấn đề rác thải cũng tồn tại quanh đây. Các công ty du lịch và porter đều góp sức để giảm tình trạng rác thải ở Rinjani. Nhưng mặt tích cực khi leo núi đông người, đó là bạn có thể dễ dàng nói lời chào với người khác, điều mà khó diễn ra khi ở khu du lịch đông người. 🙂
Sau khoảng 3 tiếng leo bộ từ điểm nghỉ trưa là đến Pos4, tại đây có thể thấy được đỉnh Rinjani nằm sừng sững ở phía xa. Lúc đấy mình mới biết được chặng đường mà mình vừa đi qua mới là đoạn dễ nhất trong hành trình 3 ngày. Đi bộ thêm 1.5 tiếng nữa để đến được campsite Plawangan Sembalun.
Ánh nắng cuối cùng trên đỉnh Rinjani. Không còn nghi ngờ gì, phải thừa nhận rằng đây là cảnh tượng hùng vĩ nhất mình từng chứng kiến. Bạn có thể thấy điểm cắm trại nhỏ như kiến ở phía dưới, đỉnh Rinjani, hồ Segara Anak và miệng núi lửa Barujari nằm trong hồ.
Mẹo du lịch:
- Chuẩn bị quần áo ấm khi leo núi nhiều ngày vì nhiệt độ thay đổi rất nhanh. Nhiệt độ ở campsite vào ban đêm khoảng 13 độ C và ở trên đỉnh vào khoảng 5 độ C, tuỳ thuộc vào tốc độ gió. Các vật dụng cần thiết sẽ được mình liệt kê trong bài viết tiếp theo.
- Chuột rút là hiện tượng thường gặp khi leo núi, bất kể ai. Và, mình đã bị chuột rút trên đường đến campsite. Anh bạn guide có nói rằng điều đáng giá nhất khi cắm trại ở điểm này là để summit vào ngày hôm sau, do đó đề nghị giúp mình cải thiện tình trạng chuột rút bằng “Nước Ma Thuật” (Magic Water), là muối pha cùng nước ấm. Khi uống nước muối ấm và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ cải thiện tình trạng chuột rút rất nhiều.
Summit
Đây là ngày hoạt động nhiều nhất trong 3 ngày chụp ảnh ở Rinjani vì hầu như không có thời gian nghỉ, thức dậy từ 1h sáng để bắt đầu leo lên đỉnh. Sau khoảng 1 tiếng đi từ điểm cắm trại, vượt qua rừng cây và địa hình cát lún và trơn trượt, bầu trời đêm quang đãng cũng dần lộ ra, mình bắt đầu đặt chân đến vành miệng núi lửa, khoảng một phần ba đường từ trại lên tới đỉnh. Con đường để lên đỉnh Rinjani dốc và chủ yếu là cát lún. Đoạn cuối là thử thách nhất, khi bạn leo lên hai bước, Rinjani sẽ kéo bạn lại một bước.
Toàn cảnh bình minh trên núi Rinjani, từ đây có thể quan sát được toàn bộ đảo Lombok và núi Agung thuộc đảo Bali phía xa hướng Tây.
Senaru
Sau khi chụp ảnh bình minh xong, mình phải nhanh chóng quay trở lại điểm cắm trại trước 7h sáng. Cần 2 tiếng để xuống campsite, 3 tiếng để xuống đến hồ Segara Anak 2000m và 3.5 tiếng để leo tiếp lên điểm cắm trại của đêm nay – Senaru 2600m. Nơi đây được mệnh danh là một trong những điểm ngắm cảnh đẹp nhất Indonesia. Tổng quãng đường trong ngày 16km, tăng độ cao 1600m, giảm 1600m. Nhưng bù lại góc nhìn rất xứng đáng, với lịch trình 3 ngày 2 đêm leo Rinjani thì có lẽ đây là view ngắm cảnh đẹp nhất, không góc chết.
Sau khi leo được lên đến Senaru campsite, mình nằm ườn ra và ngủ một giấc thật sâu, đã hai ngày nay không chợp mắt được chút nào rồi. 3h sáng, mình bắt đầu thức dậy và ngắm bầu trời đầy sao trước khi rời kết thúc hành trình vào ngày hôm nay. Nhìn từ xa, có thể thấy đoàn người liên tiếp nối tiếp nhau leo lên đỉnh trong đêm tối, giống mình của ngày hôm qua vậy đó. 🙂
Sau khi đón bình minh từ Senaru, mình bắt đầu quay trở lại ngôi làng mà đã ở trước khi leo ngày đầu tiên, làng Senaru. Tổng quãng đường đi xuống khoảng 10km, giảm 2000m độ cao, với địa hình chủ yếu là rừng. Tạm biệt ngôi làng Senaru, mình quay trở lại Bali bằng phà trong đêm để tiếp tục hành trình với chuyến bay tới đảo Komodo ngày mai.
Tóm tắt
Rinjani xứng đáng là cung đường leo núi hùng vĩ bậc nhất Indonesia với địa hình rất đa dạng, phong cảnh đẹp, góc nhìn từ campsite cũng rất đẹp, xứng đáng là điểm để nghỉ ngơi sau một ngày dài đi bộ ngắm cảnh. Đây cũng là nơi có nhiều điểm chụp đẹp, nhiều chủ đề để khai thác như rừng núi, cây cối, hồ nước, thác nước, đêm sao…Nếu muốn kết hợp với chuyến đi chụp ảnh, mình khuyên bạn nên đi theo lịch trình 4 ngày 3 đêm để có thời gian leo núi và chụp ảnh thoải mái hơn. Nếu có cơ hội, mình sẽ ghé thăm lại vào năm sau và khám phá thêm phía Nam của đảo Lombok với những vách đá kì dị bên bờ biển. Đường quanh đảo Lombok nhìn chung là đẹp, rất dễ đi trừ một vaì đoạn khi bắt đầu lên núi. Một điểm cộng khác là Lombok vắng hơn nhiều so với Bali, một vaì điểm mình hầu như không bắt gặp khách du lịch nào cả, tình trạng giao thông cũng tốt hơn rất nhiều, phong cảnh còn nguyên sơ hơn.
Cuối cùng là vệt Sao Băng mà mình vô tình chụp được khi đang trên đường leo lên đỉnh trong đêm tối.
27 tháng 6 năm 2023
Rinjani, Lombok, Indonesia.
I sincerely appreciated the effort you’ve invested here. The sketch is tasteful, your authored material chic, however, you seem to have developed some uneasiness about what you aim to offer henceforth. Certainly, I shall revisit more regularly, just as I have been doing nearly all the time, should you uphold this climb.