Một trong những câu hỏi mình thường xuyên nhận được nhất đó là: Nên lấy nét vào đâu và làm cách nào để tối đa được độ sâu trường ảnh? Câu hỏi này nghe qua có vẻ đơn giản nhưng nếu bước chân ra ngoài và đi chụp thực tế thì bạn sẽ gặp vô vàn các trường hợp mà ngay cả việc lấy nét cũng có thể làm bạn lúng túng. Rốt cuộc thì mỗi người cầm máy đều mong muốn bức ảnh phong cảnh của mình có được độ nét tốt nhất để phục vụ nhu cầu in ảnh cỡ lớn hoặc đơn giản là ngắm nhìn chi tiết như ngoài đời thực.
Lấy nét trong nhiếp ảnh phong cảnh là một kĩ thuật cơ bản mà bất cứ ai bắt đầu với nhiếp ảnh phong cảnh cũng cần nắm được để chụp được cảnh đẹp và tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra khi bạn đứng trước khung cảnh đẹp như mơ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến độ nét
Khẩu độ
Để có được bức ảnh nét từ đầu đến cuối, về nguyên tắc, bạn cần độ sâu trường ảnh càng lớn càng tốt. Vì vậy đơn giản là giảm khẩu độ bé hơn (ví dụ: f/5.6 xuống f/16)
Ống kính ngày nay thường có khẩu độ nhỏ nhất là f/22. Tuy nhiên bạn cần lưu ý về hiện tượng nhiễu xạ. Nhiễu xạ là hiện tượng quang học làm tổng thể hình ảnh bị mờ đi khi sử dụng khẩu độ nhỏ. Nguyên nhân là ánh sáng đi qua lá khẩu thu nhỏ, chiếu vào các cạnh của lá khẩu gây nên hiện tượng phân tán và lan toả về mọi hướng, điều này làm giảm độ sắc nét của hình ảnh. Khẩu độ nhỏ hơn làm độ sâu trường ảnh tăng lên nhưng tổng thể bức ảnh lại mờ đi.
Về lý thuyết, bạn không nên sử dụng f/22 đối với ảnh phong cảnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần sự đánh đổi thì f/22 là một giải pháp không tồi, bởi bắt được khoảnh khắc ánh sáng và bố cục đẹp mới là yếu tố thiết yếu.
Mỗi ống kính đều có một khẩu độ mà ở đó chất lượng ảnh nét nhất và ít bị nhiễu xạ nhất, thường là f/8. Tuy nhiên tại f/8 độ sâu trường ảnh là không nhiều do đó mình thường sử dụng khẩu độ bé hơn để đạt được độ sâu trường ảnh tốt hơn, khoảng f/11-f/16.
Điểm lấy nét
Sau khi đã lựa chọn được khẩu độ thích hợp, thì công việc tiếp theo là chọn điểm lấy nét. Đây sẽ là công đoạn phức tạp nhất bởi mỗi người sẽ có một cách chọn điểm lấy nét khác nhau và điểm lấy nét tốt hơn sẽ cho kết quả ảnh nét hơn. Trong phạm vi bài viết này mình sẽ trình bày cách lấy nét của cá nhân mình. Mình ưu tiên dùng màn hình live view và manual focus (MF-lấy nét thủ công) để chọn điểm lấy nét.
Các yếu tố khác
Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ nét của bức ảnh, tuy không nằm trong phạm vi lấy nét nhưng cũng cần được đề cập để thao tác lấy nét được chính xác hơn.
Nên sử dụng tripod để cố định bố cục và chọn được điểm lấy nét dễ hơn.
Sử dụng dây bấm mềm, trigger: Tránh làm rung máy ảnh khi bấm nút chụp
Tắt chống rung trên máy ảnh và ống kính. Máy ảnh ngày nay và ống kính đa số đều được trang bị khả năng chống rung, tuy nhiên khi đặt trên tripod, để ảnh được sắc nét thì các chức năng này đều phải được tắt đi.
Chọn điểm lấy nét
Lấy nét 1/3
Độ sâu trường ảnh, vùng nét chấp nhận được nằm ở phía trước và sau điểm lấy nét, rơi vào khoảng 1/3 trước điểm lấy nét và 2/3 sau điểm lấy nét. Do đó nếu bạn lấy nét quá gần hoặc quá xa chủ thể thì vô tình bạn không tận dụng được độ sâu trường ảnh. Vì vậy cách tiếp cận đơn giản nhất là lấy nét vào 1/3 phía dưới khung hình.
Mặc dù cách chọn điểm lấy nét này không thực sự đúng trong mọi trường hợp nhưng kết quả mang lại khá hiệu quả. Phần tiền cảnh và hậu cảnh có độ nét chấp nhận được.
Cách lấy nét này chỉ áp dụng đối với độ cao máy so với mặt đất khoảng 1m đổ lên. Nếu cách lấy nét này không chính xác với trường hợp bạn gặp phải, hãy tìm hiểu thêm những cách tiếp theo.
Hyperfocal Distance
Khoảng vượt tiêu cự, khái niệm này có thể bạn đã nghe qua đâu đó, có vẻ nó đã lâu đời và lỗi thời, tuy nhiên đây vẫn là một kĩ thuật không nên bỏ qua. Trước khi tìm hiểu về kĩ thuật này thì cần nhắc lại về Độ sâu trường ảnh. Độ sâu trường ảnh được quyết định bởi độ dài tiêu cự, khoảng cách chụp từ máy ảnh đến chủ thể và khẩu độ. Độ sâu trường ảnh lớn nhất khi sử dụng ống kính có tiêu cự ngắn chẳng hạn như góc rộng và giảm khi sử dụng ống kính tele. Tương tự, độ sâu trường ảnh có thể được tăng lên bằng cách sử dụng khẩu độ nhỏ hơn và bằng cách di chuyển ra xa chủ thể hơn.
Về định nghĩa (theo wikipedia): Hyperfocal distance – khoảng vượt tiêu cự là khoảng cách gần nhất mà ống kính có thể lấy nét trong khi vẫn giữ cho các vật thể ở vô cực nét ở mức chấp nhận được. Khi thấu kính được lấy nét ở khoảng cách này, tất cả các vật thể ở khoảng cách từ một nửa khoảng vượt tiêu cự đến vô cực sẽ nét ở mức chấp nhận được.
Việc tính toán Hyperfocal distance không hề đơn giản, nó phụ thuộc vào tiêu cự, khẩu độ và CoC (Circle of Confusion) với fullframe sensor là khoảng 0.03mm và crop sensor là 0.02mm.
Mình sử dụng app Photopills để tính Hyperfocal distance khi cần thiết.
Như vậy, với việc dùng máy Nikon D800e và ống kính tiêu cự 14mm, khẩu độ f/16 thì khoảng vượt tiêu cự là 0.42m. Có nghĩa là lấy nét ở điểm cách máy ảnh 0.42m thì những điểm cách máy gần nhất là 0.21m đến vô cực có độ nét “chấp nhận được”.
Gấp đôi khoảng lấy nét
Hyperfocal distance là cách lấy nét khoa học hơn nhưng việc tính toán và tra thông số trên bảng khá mất thời gian. Do đó, để vận dụng hyperfocal distance hiệu quả hơn mình sử dụng cách gấp đôi khoảng lấy nét. Ví dụ mình muốn lấy nét tiền cảnh nhưng mờ hậu cảnh, nét hậu cảnh thì mờ tiền cảnh, do đó điểm lấy nét để cả tiền cảnh và hậu cảnh nét ở mức chấp nhận được nằm ở đâu đó giữa 2 điểm lấy nét này.
Sau khi đã bố cục xong các chủ thể, mình sẽ chọn chủ thể gần nhất mà mình muốn lấy nét, ước chừng khoảng cách đến ống kính (ví dụ: 1m) và nhân đôi khoảng cách đó lên (2m). Đó sẽ là khoảng cách đến điểm mà mình điều chỉnh ống kính để lấy nét. Cách lấy nét này khá nhanh vì mắt người có thể ước lượng tốt trong khoảng 10m đổ lại và thường kết quả trả về gần giống với lấy nét 1/3 khung hình nhưng cách này có độ tin cậy cao hơn nhờ vận dụng hyperfocal distance.
Với ví dụ bằng bức ảnh này, thông thường sẽ sử dụng khẩu độ bé và lấy nét vào bông hoa. Tuy nhiên với khoảng cách từ máy đến bông hoa rất gần (khoảng 0.5m) do đó dễ xảy ra hiện tượng hậu cảnh bị mờ do chọn điểm lấy nét ưu tiên tiền cảnh. Do đó mình sử dụng gấp đôi khoảng lấy nét, lấy nét vào phần lá ngay phía sau bông hoa (khoảng 1m) để đảm bảo phần tiền cảnh và hậu cảnh nét ở mức chấp nhận được.
Focus Stacking
Về cơ bản, kĩ thuật này không yêu cầu tính toán khoảng cách quá nhiều mà tất cả những gì cần làm là chụp nhiều tấm ảnh ở các điểm lấy nét khác nhau và tổng hợp lại trong quá trình hậu kì để có được bức ảnh nét hoàn toàn từ đấu đến cuối. Số lượng tấm ảnh chụp focus stacking sẽ phụ thuộc vào độ dài tiêu cự và khẩu độ, chụp càng nhiều tấm với độ dịch điểm lấy nét càng ngắn thì bạn càng có nhiều dữ liệu để xử lí hơn.
Chụp thử và kiểm tra
Sau khi chọn được điểm lấy nét, việc chụp thử và kiểm tra rất quan trọng bởi các thông số trên chỉ là ước tính. Phóng to và kiểm tra tâm ảnh, góc ảnh để đảm bảo ảnh sắc nét ở mọi góc cạnh. Nếu phần gần nhất là tiền cảnh không đảm bảo nét thì bạn chỉ việc chỉnh điểm lấy nét về gần máy ảnh hơn một chút.
Lấy nét với ảnh chụp đêm
Không giống như ảnh ban ngày, ảnh đêm chụp ở khẩu độ lớn (f/1.4-f/2.8) do đó cách lấy nét đối với ảnh chụp đêm cũng có một vài điểm khác biệt. Để lấy nét đối với ảnh đêm các bạn có thể tham khảo một vài cách dưới đây:
Sử dụng live view để lấy nét bằng thủ công, zoom vào ngôi sao sáng nhất hoặc ánh đèn ở phía xa để vặn vòng lấy nét, lấy nét vào sao hoặc ánh đèn.
Lấy nét khi lúc trời còn sáng tại khẩu độ 2.8, chỉ cần phần đường chân trời hoặc viền núi nét thì ban đêm sao sẽ nét.
Chọn chủ thể chụp ở xa: Độ sâu trường ảnh phụ thuộc vào khoảng cách đến chủ thể, do đó chủ thể ở xa sẽ tối ưu được độ sâu trường ảnh, làm chủ thể và sao đều nét.
Đối với chủ thể ở gần, sau khi chọn được tiêu cự, khẩu độ, sử dụng đèn để soi sáng tiền cảnh đến điểm cần lấy nét, lấy nét và chụp thử. Nếu sau khi kiểm tra thấy sao bị out nét bạn có thể đẩy điểm lấy nét ra xa hơn một chút để cả tiền cảnh và sao nét ở mức chấp nhận được.
Focus stacking. Tương tự với ảnh ban ngày, lấy nét từng phần trong bức ảnh và chụp nhiều tấm liên tiếp để có thể tổng hợp lại thành một bức ảnh nét từ đầu đến cuối nhờ hậu kì.
Lời kết,
Tìm hiểu thêm về cách lấy nét trong ảnh phong cảnh sẽ giúp bạn làm chủ được thiết bị, nhờ đó bạn sẽ tiết kiệm hơn được nhiều thời gian hơn khi chụp và bắt được nhiều khoảnh khắc đẹp hơn. Mặc dù không có cách lấy nét hoàn hảo để bức ảnh nét từ đầu đến cuối chỉ với một cú bấm máy do hạn chế về độ sâu trường ảnh của ống kính tuy nhiên việc lựa chọn điểm lấy nét đúng sẽ tối ưu được độ nét của bức hình, giúp bạn quyết định được đâu là phần quan trọng nhất để tập trung lấy nét và đâu là điểm mà bạn chấp nhận đánh đổi để có độ nét chấp nhận được.
Comments 1